Lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa cho biết, trong tháng 11 năm 2023, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 13.511 lao động. Như vậy, trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 146.156 lao động (50.561 lao động nữ) đạt 121,8% kế hoạch năm 2023 (năm 2023, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 110.000 - 120.000 lao động).

Theo thống kê, Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc với 74.354 lao động (31.592 lao động nữ), tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc): 54.769 lao động (16.820 lao động nữ), Hàn Quốc: 7.830 lao động (537 lao động nữ), Trung Quốc: 1.785 lao động (02 lao động nữ), Hungari: 1.463 lao động (695 lao động nữ), Singapore: 1.333 lao động nam, Rumani: 804 lao động (143 lao động nữ), Ba Lan: 760 lao động (136 lao động nữ) và các thị trường khác.

 

Hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản đã thực hiện từ năm 1992, đến nay đã có trên 500.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo các chương trình: thực tập kỹ năng; lao động đặc định; đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA); lao động là kỹ thuật viên, phiên dịch viên. Việt Nam là nước đứng đầu cả về mặt số lượng sang làm việc hằng năm cũng như tổng số đang làm việc tại Nhật Bản trong số 15 nước phái cử thực tập sinh/lao động sang Nhật Bản.

Trong năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường các biện pháp ổn định thị trường lao động truyền thống; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng việc duy trì các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục xúc tiến mở rộng thêm các thị trường mới, có thu nhập tốt, việc làm ổn định, đặc biệt tại các nước châu Âu, để tăng cơ hội cho nhiều người đi làm việc ở nước ngoài.

Đồng thời nâng cao chất lượng doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đẩy mạnh công tác chuẩn bị nguồn, đào tạo của các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng được tăng cường, nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đưa lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài./.

 
 
MD