Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ hình ảnh của một ngôi làng của Việt Nam thời xa xưa với hình ảnh: cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình, ao sen…
Bước qua hai cánh cổng làng đã bị bạc màu bởi sương gió, nằm dưới bóng một cây đa khổng lồ đã ngót nghét 300 năm tuổi, là những đường làng, ngõ xóm, tường đá ong, mái ngói và các công trình kiến trúc cổ xưa: đình, đền, chùa trong một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của một làng nông nghiệp và mang đậm dấu ấn của một nền văn minh lúa nước của nước Việt ta.
Du khách ở xa đến đây dễ nhận ra nét đặc sắc của làng cổ Đường Lâm, đó chính tận mắt chứng kiến những ngôi nhà làm bằng gỗ với tường xây được xây bằng đá ong, nằm trong các khuôn viên xung quanh có tường bao cũng bằng đá ong và con đường lát gạch nghiêng chạy dọc giữa những bức tường ấy…
Làng cổ Đường Lâm có tới 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh chiếm lần lượt là 441, 350 và 165 nhà. Trong đó có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất sớm từ năm 1649, 1703, 1850…. Căn nhà lâu đời nhất có tuổi thọ khoảng hơn 400 năm vẫn còn lưu giữ được bài văn cúng tế viết bằng chữ nho được viết bởi mực tàu trên một tấm ván.
Các chi tiết tạo nên” linh hồn” của một nhà cổ gồm có cổng đá ong, tường đá ong, lối đi lát gạch nghiêng, bậu cửa cao và có gian thờ tổ tiên.
Cổng nhà mang dáng dấp hình quai giỏ, từng đường nét rất mềm mại nhưng lại vững chắc nhờ vật liệu làm bằng đá ong. Nhà của quan lại thường có vòng cửa mặt hồ phù, phía trên có đắp hình long, ly, quy, phượng hay hình lưỡng long chầu nguyệt. Mỗi ngôi nhà là một đồ gia bảo, là văn hoá, là lịch sử đồng thời cũng là nơi thờ tự của mỗi dòng họ rất linh thiêng.
Các ngôi nhà ở trong làng đều được xây dựng theo kiểu nội tự – ngoại khách, sân nhà xây dựng sẽ thấp hơn mặt đường, vào những ngày mưa, nước từ ngoài đường dồn vào trong sân với ý nghĩ tụ thủy sinh tài rồi mới chảy thoát ra đường cống.
Đường ngõ trong làng đều được xây dựng là ngõ cụt để đề phòng trộm cướp và bên trong nhà nào cũng có cửa bí mật và đường tắt để đi ra sân đình. Do khai thác tốt được độ dốc, lại không có nhiều nghề phụ nên đường đi lối lại ở Đường Lâm rất sạch sẽ và quang đãng.
Xem thêm: Tour chùa Thầy – chùa Tây Phương – Làng cổ Đường Lâm.
Nét riêng đặc biệt nhất của làng chính là kiến trúc của làng: tất cả những ngả đường tạo thành hình xương cá gồm một trục đường chính với rất nhiều ngõ nhỏ đều được thông với nhau, người làng dù đi đằng nào cũng về được đến nhà và trộm dù chạy đằng nào rồi cũng bị bắt, bởi mỗi khi có động, tráng đinh của cả làng ùa ra, ngay lập tức sẽ gặp nhau ở một chỗ.
Người dân Đường Lâm có ý thức rất tốt về giá trị văn hóa của làng mình. Họ biết rõ vẻ đẹp trầm mặc và cổ kính của những ngôi nhà cổ đang thu hút rất nhiều khách thập phương tìm về tham quan, tưởng nhớ lại hình ảnh ngôi làng Việt Nam thời xa xưa.
Giữa vòng xoáy hối hả của thời hiện đại ở bên ngoài, Đường Lâm vẫn lặng lẽ nằm ẩn mình, khép mình vào một góc tưởng chừng như bị cuộc sống ồn ào quên lãng. Sẽ còn rất nhiều du khách dừng chân đến đây để tận mắt chiêm ngưỡng, cảm nhận và hòa mình vào trong bầu không khí u tịch của ngôi làng đã mang trong mình mấy trăm năm tuổi.